Cây gai chống còn có tên là gai ma vương, mọc ở nhiều nơi trên thế giới. Ở nước ta gai chống mọc ở các vùng đất ven biển từ Quảng Bình trở vào, rất nhiều ở Bình Thuận.
Gai chống có tên khoa học là Tribulus terrestris L. (T. lanuginosus L.), là loại cây bò lan trên mặt đất, nhiều cành dài 30-60cm. Lá mọc đối dài 2-3cm, kép lông chim lẻ, 5-6 đôi lá chét đều, phủ lông trắng mịn ở mặt dưới. Hoa màu vàng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá, cuống ngắn, 5 lá đài, 5 cánh hoa, 10 nhị, bầu 5 ô. Quả nhỏ, khô, gồm 5 vỏ cứng, trên có gai hình 3 cạnh, có gai dài, nhọn rất cứng, có thể làm tổn thương nếu đi chân trần dẫm phải.
Quả chín vào mùa thu, đào cả cây hay cắt lấy phần trên, phơi khô, dùng gậy cứng đập cho quả rụng xuống, chọn lấy những quả già, phơi khô để làm thuốc.
Ở Ấn Độ, quả cây gai chống dùng làm thuốc kích thích ăn uống, chống viêm, lợi tiểu, điều kinh, tráng dương, bổ thận, chữa sỏi thận. Ở Trung Quốc tật lê được sử dụng từ lâu đời, giúp cân bằng gan, ôn dương, trị nhức đầu, chóng mặt, mắt sưng đỏ, chảy nước mắt sống.
1. Tác dụng của bạch tật lê
Theo Đông y, bạch tật lê có vị đắng, cay, tính ấm, vào hai kinh Can và Phế; có tác dụng bình can, tán phong, thắng thấp, hành huyết. Kinh nghiệm dân gian dùng tật lê chữa nhức mỏi mắt, chảy nước mắt, nhức đầu, phong ngứa, tích tụ, kinh nguyệt không đều.
Đông y dùng tật lê làm thuốc bổ thận, trị đau lưng, di tinh, hoạt tinh, xuất tinh sớm, chân tay vô lực… Mỗi ngày 12-16g dưới dạng thuốc bột hay thuốc sắc.
2. Cách sử dụng bạch tật lê
2.1 Chữa ngứa da: Bạch tật lê 100g, cam thảo 100g, ngâm trong 300ml cồn 75 độ trong 7 ngày, lọc bỏ bã; lấy cồn thuốc bôi vào những chỗ da bị ngứa ngày 2-3 lần.
2.2 Chữa mụn cơm (mụn cóc): Bạch tật lê tươi, giã nát, đắp lên mụn cơm, sau đó dùng ngón tay xát đi xát lại trên mặt mụn, cho đến khi có cảm giác nóng rát và hơi đau thì ngừng; mỗi ngày hoặc cách ngày thay thuốc 1 lần.
2.3 Trị bệnh thời khí (tứ thời cảm mạo): Bạch tật lê, bạch thược, cam thảo, đương quy, hoàng liên, mộc tặc, sơn chi, thanh thương tử, thảo quyết minh – mỗi vị 6g; hoàng cầm, xuyên khung – mỗi vị 3g. Sắc uống ngày 1 thang.
2.4 Trị viêm ngứa ngoài da do nhiệt độc: Bạch tật lê, bạch tiễn bì, cam thảo, cát cánh, chi tử, huyền sâm, mạch môn, phòng phong, tiền hồ, hoàng cầm, xích thược, đại hoàng, mỗi vị 12g. Tất cả tán bột, mỗi lần uống 6-8g với nước sắc bạc hà.
2.5 Trị đau lưng, chân tay vô lực, di hoạt tinh do thận âm hư: Bạch tật lê, sa uyển tử, long cốt, mẫu lệ – mỗi vị 40g; khiếm thực, liên tu, liên tử – mỗi vị 80g, làm hoàn hoặc sắc uống. Công dụng: Cố thận, sáp tinh.
2.6 Trị đau đầu hoa mắt chóng mặt do can hỏa vượng: Bạch tật lê, câu đằng, ngưu tất, cúc hoa, bạch thược mỗi vị 16g. Sắc uống ngày 1 thang.
2.7 Trị đau nhức vùng mắt, chảy nước mắt: Bạch tật lê, cúc hoa, mạn kinh tử, quyết minh tử, bạch thược, thuyền thoái, mỗi vị 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
2.8 Chữa đau bụng kinh, rối loạn kinh nguyệt: Bạch tật lê (sao vàng) 16g, đương quy 16g, nước 600ml, sắc còn 250ml; chia 2 lần uống trong ngày.
3. Lưu ý khi dùng bạch tật lê
Trong Đông y, vị thuốc bạch tật lê hơi độc nên nếu để sống (không sao chế) dùng chữa bệnh ngoài da, không nên uống trong. Nếu uống trong dạng thuốc sắc hoặc thuốc bột (chữa đau đầu, đầu choáng mắt hoa, tắc sữa, sưng vú, mắt đỏ đau)… cần sao kỹ, loại bỏ gai, để làm giảm độc tính.
Khi dùng để bồi bổ, chữa di hoạt tinh, xuất tinh sớm… cần tẩm muối sao, để tăng tác dụng bổ can thận.
Kiêng kỵ: Người huyết hư không nên dùng bạch tật lê.
Mời bạn xem thêm video:
Đừng coi thường ngứa da.