Sunday , October 6 2024

Bỗng dưng mất việc, hàng ngàn công nhân phải về quê ăn Tết sớm

Lao đao vì mất việc

Do cuối năm, các công ty bị khan hiếm đơn hàng, phải cắt giảm giờ làm và nhân sự nên nhiều người mất việc, thiếu tiền nhà trọ đành phải về quê ăn Tết sớm. Đây là những công nhân chủ yếu quê các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào Bình Dương làm việc tại các khu công nghiệp.

Bỗng dưng mất việc, hàng ngàn công nhân phải về quê ăn Tết sớm - Ảnh 1.

Nhiều người đứng đón xe về quê “ăn Tết” sớm do mất việc dịp cuối năm.

Tại ngã tư Hòa Lân, nằm trên quốc lộ 13 (phường Thuận Giao, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), vợ chồng chị Trần Thị Hiền (quê ở Hà Tĩnh) hòa vào dòng người đứng chờ xe khách đông như dịp cận Tết.

Khuôn mặt trầm tư, giọng buồn buồn, chị Hiền cho hay, chị là công nhân Công ty TNHH Singer chuyên sản xuất giày da ở thành phố Thuận An. Gần đây do không có đơn hàng nên công ty cho công nhân nghỉ phép năm, rồi đến nay cho nghỉ không lương. Chồng chị là công nhân ở công ty xuất khẩu gỗ, mấy tháng qua cũng không có thu nhập nên vợ chồng chị phải gửi hai con về quê cho ông bà nội. Hơn 1 tháng trụ lại thành phố tìm việc ở khắp các khu công nghiệp, đến đâu chị Hiền cũng nhận được cái lắc đầu từ chối không tuyển dụng nên giờ hai vợ chồng chị quyết định về quê luôn.

“11 năm vào đây làm việc, chưa năm nào vợ chồng tôi về quê dở chừng như này. Buồn lắm nhưng không biết làm sao bây giờ. Thôi cứ về quê hẵng rồi ra năm lại vào tìm việc mới chứ giờ ở lại tiền nhà trọ, điện nước không kham nổi”, chị Lan ngậm ngùi nói.

Tương tự chị Hiền, vừa tan ca, chị Nguyễn Loan, Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) lủi thủi đạp xe trở về căn phòng trọ hơn chục mét vuông trong con hẻm nhỏ gần công ty. 17 năm gắn bó với công ty Tỷ Hùng, giờ chị Loan vẫn nằm trong danh sách gần 1.200 công nhân mất việc, được bồi thường 2 tháng lương với 1 phần tiền thưởng Tết (do đạt 11 tháng làm việc trong năm). Vậy nhưng, số tiền đó không đủ để chị Loan lo viện phí sắp tới cho chồng mắc bệnh u não lên đến 70 triệu, chưa kể ăn uống, tiền điện nước phòng trọ. Trong khi đó, do đã hơn 40 tuổi, chị Loan không thể dễ dàng tìm việc mới lại vừa phải chăm nom chồng bệnh.

Bỗng dưng mất việc, hàng ngàn công nhân phải về quê ăn Tết sớm - Ảnh 2.

Công nhân Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM) đạp xe về phòng trọ với nỗi lo mất việc cận Tết.

“Tôi tính đến phương án cuối cùng là về quê ở và bán nửa số đất ở quê bố mẹ cho để lấy tiền chữa bệnh cho chồng. Đợt rồi tôi cũng đã hỏi khắp nơi tìm việc làm khác mà không được”, chị Loan cho hay.

Không riêng chị Hiền hay Loan, tình trạng mất việc hàng loạt, phải thu xếp về quê rơi vào hàng ngàn lao động ở TP.HCM, nhiều nhất là ở các khu công nghiệp của Bình Dương và Đồng Nai.

Nhà trọ ế ẩm

Chị Hoàng Hồng Hạnh, một chủ nhà trọ tại Khu công nghiệp Sóng Thần (phường Dĩ An, TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cho biết, nếu như đầu năm các khu nhà trọ đều kín phòng, người ra vào cho thuê tấp nập thì nay tỷ lệ phòng trọ trống lên tới 30-50%. Phần lớn các công nhân đều nghỉ việc về quê “ăn Tết” sớm.

“Nhà tôi có 12 phòng trọ thì giờ chỉ còn 7 phòng có người ở. Số còn lại mới trả phòng để về quê hết do bị mất việc làm hoặc lương trả theo sản phẩm thấp quá. Chồng tôi liên tục đăng rao cho thuê trên mạng xã hội và gửi môi giới mà suốt tháng rồi không có ai đến thuê. Xung quanh khu vực này đều vậy, nhiều nhà trống đến nửa số phòng. Tôi xác định từ nay đến Tết số người trả phòng theo đà còn tăng nữa. Hy vọng sau Tết mọi người trở lại tìm việc, lúc đó việc kinh doanh phòng trọ mới ổn định”, chị Hạnh nói.

Bỗng dưng mất việc, hàng ngàn công nhân phải về quê ăn Tết sớm - Ảnh 3.

Người lao động sau giờ tan ca tại Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP.HCM).

Tháo gỡ khó khăn cho người lao động

Theo ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương, một số công ty trên địa bàn cho công nhân ngưng việc là vì gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, không có đơn hàng. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng chủ yếu ở khối dệt may, da giày, ngành sản xuất đồ gỗ xuất khẩu.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có khoảng 28.000 lao động bị thôi việc, 240.000 lao động bị giảm giờ làm.

Đáng chú ý, đến hết tháng 9/2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương có đến khoảng 70.000 lao động đến làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Trước thực trạng trên, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Dương đang đẩy mạnh giải quyết các thủ tục về bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ công nhân. Các đơn vị thuộc Sở cũng thực hiện nhiều biện pháp để kết nối người lao động với những doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng, tư vấn và hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động.

UBND tỉnh Bình Dương cũng đã chỉ đạo các ngành có liên quan tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại để tìm kiếm thêm đơn hàng cho doanh nghiệp để tạo việc làm cho người lao động; Liên đoàn lao động tỉnh cũng triển khai nắm bắt thông tin từ các doanh nghiệp phải cắt giảm lao động. Theo đó sẽ rà soát các trường hợp khó khăn để có chính sách hỗ trợ để giảm khó khăn, đặc biệt là dịp Tết nguyên đán sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động thương binh và xã hội TP.HCM cho biết, năm 2021 có 122.700 người lao động nhận trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10/2022, đã có 128.647 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tăng khoảng 27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, hiện nhu cầu tuyển dụng cuối năm của nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM là 43.000 người, tập trung nhiều ở lĩnh vực thương mại dịch vụ, sản xuất tiêu dùng phục vụ dịp lễ Tết. Đây là cơ hội lớn cho những lao động các ngành dệt may, da giày, lĩnh vực đồ gỗ hay là điện tử đang chịu ảnh hưởng bởi làn sóng cắt giảm nhân sự có thể tìm việc làm mới.

Theo khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đến nay có 25 địa phương, đơn vị, ngành báo cáo có người lao động bị ảnh hưởng đến việc làm, đời sống. Trong đó, ngành nghề bị ảnh hưởng chủ yếu là chế biến gỗ, dệt may, da giày và một số doanh nghiệp điện tử, thực phẩm, dịch vụ, du lịch…Số doanh nghiệp, người lao động bị ảnh hưởng là 441 doanh nghiệp (trong đó có 331 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm hơn 75%) với tổng số 624.786 lao động tại 25 tỉnh, thành phố. Chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam với 68% tổng số doanh nghiệp, hơn 88% tổng số lao động bị ảnh hưởng.

Lao động mất việc tìm 'cần câu cơm' trực tuyến - Thận trọng với lời rao onlineLao động mất việc tìm “cần câu cơm” trực tuyến – Thận trọng với lời rao online

SKĐS – Người lao động đang chịu ảnh hưởng nặng nề với mức độ phức tạp của dịch COVID-19 như bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…

About admin

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *