Wednesday , December 4 2024

Hơn 1.200 ca nhập viện do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chỉ trong 1 năm, đề xuất cấm toàn diện

Thông tin được ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam cho biết tại tọa đàm “Gánh nặng bệnh mạn tính và tiềm năng ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý bệnh” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam tổ chức chiều 13/11.

Theo số liệu của Bộ Y tế, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã gia tăng một cách đáng kể (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023).

Sử dụng thuốc lá điện tử cao ở nhóm tuổi trẻ (15-24 tuổi) với tỉ lệ là 7,3%; nhóm tuổi 25-44 tuổi là 3,2% và nhóm tuổi 45-64 tuổi là 1,4%.

Tại Việt Nam, qua tổng hợp báo cáo của gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho thấy, chỉ tính riêng năm 2023, đã có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Triệu chứng các bệnh nhân khi nhập viện chủ yếu do dị ứng, ngộ độc, tổn thương phổi cấp do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Về thời gian sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng: 81 người cho biết sử dụng lần đầu tiên; 1.143 người đã từng dùng một thời gian.

Hơn 1.200 ca nhập viện do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chỉ trong 1 năm, đề xuất cấm toàn diện- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Hữu Tú – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam chia sẻ về tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng.

Nghiên cứu mới của Trường Đại học Y tế công cộng được hỗ trợ bởi Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá và Tổ chức Y tế Cộng đồng toàn cầu Vital Strategies mới công bố cho thấy: Trong giai đoạn tháng 10-12/2023, nghiên cứu trên 3.801 học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 tại 11 tỉnh, thành ở Việt Nam kết quả có 96,2% và 37,8% học sinh nhận thức được sự tồn tại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Trong đó, 14% đã từng sử dụng thử thuốc lá điện tử và 7% hiện đang sử dụng trong 30 ngày qua. Tỷ lệ này đối với thuốc lá nung nóng là 1,8% đã từng sử dụng và 1,0% hiện đang sử dụng.

Các chuyên gia cho rằng, mức độ sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong giới trẻ Việt Nam đang ở mức cao, đặc biệt khi so sánh với các chỉ số về sử dụng thuốc lá truyền thống.

Đáng lo ngại là tình trạng trộn lẫn ma túy vào thuốc lá điện tử đang ngày càng trở nên phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội. Theo thống kê của Bộ Công an, trong năm 2023, có 86 vụ với 155 người bị xử lý do đưa ma túy vào thuốc lá điện tử. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, 73 người bị xử lý về hành vi này.

Hơn 1.200 ca nhập viện do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chỉ trong 1 năm, đề xuất cấm toàn diện- Ảnh 2.

Hơn 1.200 ca nhập viện do thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng chỉ trong 1 năm, đề xuất cấm toàn diện- Ảnh 3.

Thuốc lá điện tử với mẫu mã đa dạng, bắt mắt khiến giới trẻ yêu thích và cũng là nguyên nhân gây ngộ độc, nhiều người phải nhập viện.

Với mẫu mã đa dạng, các loại thuốc lá mới rất hấp dẫn thanh thiếu niên, tạo ra thế hệ trẻ nghiện nicotine và các chất gây nghiện khác. Việc sử dụng các loại thuốc là này còn có nguy cơ cao phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện khác, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ và an ninh trật tự xã hội.

Trước những tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe con người, đặc biệt là thế hệ trẻ, Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam kiến nghị cần kịp thời ban hành quy định để cấm toàn diện các sản phẩm này trước khi việc sử dụng trở nên phổ biến hơn, bao gồm: cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo, sử dụng các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Điều này sẽ tránh cho cả một thế hệ tương lai nghiện nicotine, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em và thanh thiếu niên.

Trong phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan bày tỏ mong muốn sẽ có một Nghị quyết của Quốc hội cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. “Nếu Nghị quyết của Quốc hội đưa ra được việc cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng thì đây là giải pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe nhân dân” – Bộ trưởng khẳng định.

'Cấm thuốc lá điện tử, nung nóng là giải pháp thiết thực bảo vệ sức khỏe nhân dân'“Cấm thuốc lá điện tử, nung nóng là giải pháp thiết thực bảo vệ sức khỏe nhân dân”

SKĐS – Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, nếu Nghị quyết của Quốc hội đưa ra cấm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, sẽ là giải pháp thiết thực để bảo vệ sức khỏe nhân dân.

About admin

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *