Tối 2/8, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh nhân N.V.A. (51 tuổi, trú xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) mắc liên cầu lợn sau 20 ngày điều trị đã qua cơn nguy kịch, các thông số lâm sàng ổn định và chuẩn bị xuất viện.
Theo điều tra dịch tễ, khoảng 1 tuần trước thời điểm có dấu hiệu bệnh, gia đình ông A. không ăn thịt lợn và các sản phẩm chế biến từ thịt lợn. Nhưng cách ngày nhập viện 2 ngày (ngày 12/7), ông A. có ăn bánh ướt với thịt lợn cùng 6 người thợ xây làm chung.
Đến khoảng 3h ngày 14/7, ông A. xuất hiện sốt, người rét run, đau bụng nên được người nhà đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 cấp cứu.
Bệnh nhân được chẩn đoán sốt cao chưa rõ nguyên nhân và được chuyển vào khoa Truyền nhiễm để điều trị. Đến ngày 23/7, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với Streptococcus suis II (liên cầu lợn).
Sau khi ghi nhận ca bệnh, Trung tâm Y tế huyện Quảng Điền tiến hành xử lý vệ sinh môi trường tại khu vực nhà ông A., đồng thời, yêu cầu y tế thôn và trạm y tế theo dõi tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thừa Thiên Huế, bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus suis (S.suis) lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu từ lợn mắc bệnh.
Nếu không được phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, người bệnh có thể tử vong do sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng… Trong trường hợp bệnh nhân hồi phục vẫn có thể để lại những di chứng khác.
Ngành y tế khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân cần thực hiện vệ sinh ăn uống, không ăn thịt hoặc phủ tạng lợn chưa nấu kĩ, không ăn tiết canh lợn và các loại thịt, sản phẩm tái, thịt lợn sống được chế biến từ lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Ngoài ra, sử dụng các phương tiện phòng hộ như găng tay, ủng, kính bảo vệ mắt, rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc, giết mổ, chế biến thịt lợn, đặc biệt khi phải xử lý lợn mắc bệnh hoặc lợn chết.
Khi có vết thương hở, hoặc có các vùng da bị tổn thương không nên giết mổ lợn hoặc chế biến thịt lợn tươi sống, nếu có thực hiện băng kín vết thương trước khi tiếp xúc và dùng chất khử trùng sau khi làm việc. Dùng xà phòng sạch rửa sạch sẽ các đồ dùng chăm sóc, giết mổ hay dụng cụ nhà bếp ngay sau khi sử dụng.
Thực hiện tốt vệ sinh thú y, đảm bảo môi trường khu vực chăn nuôi lợn và các loại gia súc sạch sẽ, thoáng khí, ủ phân để diệt mầm bệnh. Không mua bán, vận chuyển lợn nhiễm bệnh từ các khu vực có lưu hành bệnh tới khu vực khác.
Người khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có tiền sử chăm sóc, giết mổ lợn mắc bệnh, lợn chết hoặc ăn sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế để được khám, điều trị và xử lý kịp thời.