Chiều ngày 26/9, ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT dẫn đầu đoàn công tác đã có chuyến kiểm tra thực tế tại khu vực Cửa Đại cũng như công tác phòng, chống bão số 4 (bão Noru) tại địa phương này.
Tại buổi kiểm tra, Bộ trưởng đã nghe chính quyền địa phương báo cáo về thực trạng của khu vực biển Cửa Đại những năm qua. Theo ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, những năm trước đây, khu vực bờ biển Cửa Đại bị sóng biển đánh sạt lở, ăn sâu vào trong đất liền.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương và sự hỗ trợ của các chuyên gia, nhà khoa học thì tình trạng sạt lở đã tạm thời không tái diễn. Ngoài ra, theo khảo sát mới đây thì hàng trăm mét bờ biển Cửa Đại đã được bồi cát trở lại.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT kiểm tra tại khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở ở Cửa Đại (Hội An) trước khi bão Noru áp sát đất liền.
“Tỉnh Quảng Nam đã cho đầu tư xây dựng tuyến đê ngầm nên cũng đang yên tâm hơn phần nào nếu như bão đổ bộ. Bên cạnh đó, chúng ta cũng thử nghiệm xem tuyến đê ngầm phát huy hiệu quả tới mức độ nào”, ông Bửu cho biết.
Tuyến đê ngàm này có chiều dài 1.530m nối tiếp với dự án chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển Hội An kết hợp với nạo vét Cửa Đại về phía Bắc. Đê ngầm chắn sóng dạng hình thang, đỉnh đê rộng 5m, cao trình – 0,50 mét; chân đê bằng thảm rọ đá dày 1 mét, rộng 12 mét, xếp trên đáy biển tự nhiên. Sau khi hoàn thành, đoạn đê này kết nối tiếp với bờ kè chống xói lở khẩn cấp và bảo vệ bờ biển Hội An.
Trước đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đã có chuyến kiểm tra thực tế công tác phòng, chống bão Noru tại Quảng Ngãi, Đà Nẵng. Tại những địa phương này, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị chức năng tăng cường tuyên truyền cho người dân không được lơ là, chủ quan vì cường độ cơn bão Noru được dự báo là rất lớn. Đồng thời, lên phương án di dời người dân ra khỏi các vùng nguy hiểm.
Liên quan đến công tác phòng, chống bão Noru, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đã tiến hành cấp 220 tấn gạo cho các huyện khu vực miền núi để các địa phương này cấp phát cho người dân trong trường hợp mưa lũ làm chia cắt giao thông, không thể đi lại.
Cụ thể, tại huyện Phước Sơn đã cấp 450 triệu đồng cho 4 xã vùng cao mua dự trữ, hiện đang chuyển về các thôn. Tại huyện Nam Giang đã giao các xã chủ động thực hiện mua dự trữ gạo tại các xã.
Trong khi đó, huyện Đông Giang cũng giao kinh phí để phòng Kinh tế, phòng Nông nghiệp mua dự trữ các mặt hàng thiết yếu (150 triệu đồng). Còn chủ yếu đề nghị các hộ kinh doanh (tiểu thương) dự trữ. Tại huyện Nam Trà My cũng đang dự trữ 10 tấn gạo, còn trước đó đã cấp 40 tấn gạo cho các xã khó khăn. 22 đơn vị trường học đang có mỗi trường từ 3-4 tấn gạo.
Tại huyện Bắc Trà My không có kho dự trữ ở các xã nên chủ yếu đề nghị các cơ sở kinh doanh (tiểu thương) dự trữ. Tại huyện Tây Giang thì dự trữ gạo tại huyện là 40 tấn, trong dân 180 tấn (trong đó người dân 100 tấn, trong các tiểu thương là 80 tấn).
