Báo cáo từ Trung tâm Nghiên cứu Quân đội, Chuyển đổi và Giải trừ Quân bị nhấn mạnh rằng, nhờ kiến thức hiện có, quá trình phát triển một quả bom hạt nhân không phải là điều vượt ngoài tầm tay Ukraine.
Hiện tại, Ukraine chưa có công nghệ làm giàu uranium – một quy trình then chốt trong việc chế tạo vũ khí hạt nhân hiện đại.
Tuy nhiên, quốc gia này đang vận hành 9 lò phản ứng hạt nhân với trữ lượng khoảng 7 tấn plutonium, một lượng đủ để sản xuất một quả bom kiểu “Fat Man” như quả bom mà Mỹ đã thả xuống Nagasaki năm 1945.
Dù một phiên bản bom của Ukraine có thể có sức công phá yếu hơn, các chuyên gia vẫn nhận định rằng, với lượng plutonium này, Ukraine có thể chế tạo hàng trăm đầu đạn hạt nhân chiến thuật với sức công phá vài kiloton – đủ để phá hủy một căn cứ không quân Nga hoặc một cơ sở quân sự, công nghiệp quan trọng.
Aleksey Yizhak, tác giả của báo cáo, giải thích rằng do việc sử dụng các đồng vị plutonium khác nhau, sức công phá của những loại vũ khí này có thể khó dự đoán.
Nga hiện có học thuyết cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân nếu lãnh thổ hoặc cơ sở hạ tầng bị tấn công, hoặc khi sự tồn vong của quốc gia bị đe dọa.
Tổng thống Vladimir Putin từng tuyên bố rằng Nga sẽ cân nhắc dùng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bởi một quốc gia phi hạt nhân có sự hậu thuẫn từ một nước sở hữu vũ khí hạt nhân.
Đô đốc Rob Bauer, Chủ tịch Ủy ban Quân sự của NATO, cũng thừa nhận rằng mối đe dọa hạt nhân từ Nga là lý do NATO không can thiệp trực tiếp vào xung đột tại Ukraine.
Quan điểm của Ukraine
Trong cuộc phỏng vấn với The Times, Aleksey Yizhak bày tỏ sự ngạc nhiên trước thái độ thận trọng của Mỹ trước mối đe dọa hạt nhân từ Nga.
“Tôi thấy ngạc nhiên về cách Mỹ tôn sùng mối đe dọa hạt nhân của Nga. Điều này có thể khiến chúng ta mất đi cơ hội chiến thắng”, ông chia sẻ.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky từng cảnh báo rằng Ukraine có thể tìm cách sở hữu vũ khí hạt nhân nếu không được kết nạp vào NATO, nhưng sau đó ông đã rút lại phát ngôn này.
Tổng thống Putin ngay lập tức phản ứng và khẳng định rằng Nga sẽ không để điều này xảy ra dưới bất kỳ hình thức nào.
Ngay sau đó, đại diện Bộ Ngoại giao Ukraine, Georgy Tikhy đã lên tiếng: “Ukraine không phát triển và cũng không có ý định phát triển vũ khí hạt nhân”.